Một cuộc gặp gỡ

Chiều hôm nay, chẳng giống như mọi khi, con đường đê quen thuộc bỗng trở nên buồn buồn một cách kì lạ. Phía xa dãy Chung sơn đang lim dim mắt là tít tắp những cánh đồng bát ngát một màu xanh; xanh rờn, xanh rợn trong cái ánh chiều tịch dương bàng hoàng đổ xuống nền trời những vết loang lổ như cái nồi niêu đất. À thì dân gian vẫn thường bảo nhau rằng: hoàng hôn là thời khắc khiến cho tâm trạng con người ta dễ xao động nhất. Nhưng tự tâm trung vốn đã phải có ưu sự thì mới nảy sinh ra được cái xao động bất thình lình ấy. 

Nắng tàn vẫn cố chấp vất víu trên từng gốc đề. Và rồi đây, cái xao động bất thình lình đã phảng phất trong lòng một cậu bé mười bốn tuổi, một độ tuổi hết sức “dẩm ương”, đang lang thang dọc triền cỏ gừng cạnh con sông Lam Trà yên ả. Dường như cậu bé cảm thấy chán chường, buồn bã, giận dỗi. Ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó chỉ bằng một cái nhìn chú mục vào trong ánh mắt nó. Nhưng chán chường, buồn bã, giận dỗi vì điều chi thì chẳng biết. Đôi chân sải bước một cách rất tùy tiện, chậm rãi. Đôi lúc những ngón chân ngứa ngáy không chịu được phải hất tung mấy viên sỏi nhỏ gần đó một cái, rơi tủm xuống làn nước tráng bóng tà dương, biến mất dạng.

“Thi, thi. Rồi điểm, điểm. Lúc nào cũng thi cũng điểm. Mình chịu quá đủ rồi.” 

Cậu bé bực bội, khó chịu ra mặt. Đoạn, cứ lê la như vậy một chập, lúc thì thở dài lúc thì lắc đầu ngao ngán. Chân đang chạm đất, mà hồn vía để ở đâu đâu, đến lúc kịp nhận ra thì đã ở cách xa cây cầu nối hai bên tả ngạn lắm rồi, dòng sông giờ đây đã lặn mất tăm sau thảm lúa mênh mông sải cánh cò. Nhác trông mặt trời phía Tây tuy đã bị khăn mây che mất một nửa nhưng chắc còn phải đợi khoảng mấy tiếng đồng hồ nữa mới có thể khuất núi được. Thuận tiện đang ở dưới chân dãy Chung sơn hùng vĩ, cái hứng bình sinh chợt nổi dậy, cậu bé chẳng ngần ngại mà bám cây leo lên, định ngồi trên sập đá xanh lồi ra phía trên cao mà ngắm mặt trời lặn. 

Hàng thông dạt dào nổi lên từng đợt sóng rì rào, xếp từng bậc cao dần. Cậu bé men theo lối đá nghiêng nghiêng. Cây thông đung đưa hưởng ứng, dễ thấy hình trạng cao và thẳng, tán xòe rộng như chiếc lọng rách rưới nhiều tầng, lại ngả ngớn rủ mớ lá chi chít tựa hồ muốn vỗ về an ủi tâm trạng của người lữ hành. Nó biết chứ! Trước đây mỗi lần bị mẹ mắng, nó thường ra khu vườn sầu đâu cạnh nhà mà tâm tình với bọn chúng. Nhưng sầu đâu hay thông gì cũng như nhau cả thôi. Lúc người ta buồn thì người ta cần một người bạn sẵn sàng lắng nghe hơn là một người bạn luôn đưa ra những lời khuyên nghe có vẻ “lý trí”. Giống kiểu lúc này đây, cậu bé có hàng tá bạn thông cao lớn thật dễ thương. Nó có thể thỏa sức hét lên “ô a” khoái chí mà chẳng làm phiền ai. Tuy làm thế, nỗi buồn bực trong người có thể tạm ngưng quấy nhiễu, nhưng hét xong rồi, lân la một hồi lại quay lại mấy bận trăn trở ưu tư.

Đương lúc… sắp leo lên được sập đá, ừ thì thật ra còn lâu mới đến, nó tự nhiên nghe văng vẳng ở đâu tiếng đàn tịch tang trầm lắng và xướng lên một giọng nói ấm áp:

Để Bụt thở để Bụt đi
Mình khỏi thở, mình khỏi đi, khỏi đi
Bụt đang thở, Bụt đang đi
Mình được thở, mình được đi, được đi
Bụt là thở, Bụt là đi
Mình là thở, mình là đi, là đi
Chỉ có thở, chỉ có đi
Không người thở, không người đi, người đi
An khi thở, lạc khi đi
An là thở, lạc là đi, là đi.

Nó giật mình. Mọi hành động trong phút chốc như bị ngưng đọng.

“An ư? Lạc ư?”

Nó lắng tai nghe, rồi cố gắng men theo phương hướng nơi phát ra thứ âm thanh ấy. Chừng đâu đó khoảng dăm ba phút, rẽ ra khỏi lối đá vụn ban đầu, nó nhìn thấy cách đó một khoảng chừng mươi bước chân là đường mòn ngoằn ngoèo dẫn đến cửa của một ngôi am nhỏ cổ kính rêu phong. Bức tường đất được che chắn bên sau bụi hoa sim um tùm. Thảo nào gần như thế mà nó chẳng phát hiện ra.

“Ừ nhỉ, mình quên mất. Hồi Tết mình có đi dâng lễ với bà một lần rồi. Nghe nói ngôi am này thiêng lắm.” Cậu bé thốt lên khe khẽ. “Hình như ở đây cũng có một chú tiểu. Tên là gì ấy nhỉ? À Phước Nguyên.”

Đúng thế. Trên lưng chừng dãy núi Chung này vốn có ngôi am nhỏ được cất lên từ lâu lắm. Hằng niên, người dân trong vùng, đặc biệt là các cụ già hay đến dâng lễ rồi xin một gánh nước giếng ngọc mà đem về lấy lộc. Am cũng chỉ mở cửa đón tiếp người hành hương trong mỗi dịp lễ Tết đó. Còn lại, phần cũng vì người ta rất coi trọng sự an tịnh chốn thần phật nên chỉ khi có mấy sự hệ trọng lắm như thi cử hay mất bò mất lợn thì mới đến xin cho thôi. Thế nên thường ngày, không có ai sinh sự mà leo núi đến quậy phá. Thật lòng mà nói thì cậu bé tất nhiên không có ý quậy phá đó, nhưng nhớ đến chú tiểu Phước Nguyên nói chuyện rất hợp, lòng đã mang đầy tâm sự, nghe tiếng đàn và tiếng ngâm chỉ càng muốn vào trong để hỏi cho ra nhẽ cái sự “an”, “lạc” trong câu trên là gì.

Cậu dậm bước rất nhẹ nhàng. Lúc đến bên, thấy cửa gỗ đã cài then, cậu nhón chân: bên trong cảnh sắc được bài trí rất giản dị. Tiếng đàn lại trầm lắng tịch tang, cộng với tiếng ngâm và làn khói mỏng manh tỏa ra từ gian bếp phía sau điện thờ dựng gỗ thông làm cho không khí càng trở nên u nhã, thanh bình một cách đến lạ. Cậu bé đưa tay gõ cửa. Liền mấy giây sau, tiếng ngâm thay thế bằng tiếng người gọi với ra.

“Ai đó ạ?”

“Con đi ngang qua đây. Thấy tiếng đàn và bài kệ hay quá mới xin cho vào để được chỉ bảo.”

“Bạn đường xin chờ nhà chùa một xíu.”

Một hình dáng nhỏ nhắn vội vã chạy ra. “Lạch cạch” mấy cái, cửa đã mở. Phước Nguyên đứng đó, ngạc nhiên:

“Bạn hữu là…”

“Quang đây. Mấy tháng trước, hồi Tết chúng ta có cùng nhau chơi trò đánh trận giả đấy.” Quang lộ rõ vẻ mặt hân hoan, đưa hai tay nắm chặt tay chú tiểu.

“À à. Hóa ra là bạn Quang. Giờ này mà bạn còn lên núi làm gì thế?”

Ừ nhỉ. Giờ này nó lên núi làm gì nhỉ? Câu hỏi của chú tiểu khiến Quang trầm ngâm một hồi.

“Thôi, vào xơi miếng nước rồi nói. Nào.”

Phước Nguyên vừa dứt câu, còn chưa kịp kéo tay bạn vào trong thì đã thấy hai mắt bạn nó đỏ hoe. Đúng rồi! Mình giận mẹ, vì chỉ biết quan tâm đến điểm thi, mình cảm thấy buồn bực, vì ngày nào cũng phải tới tấp luyện đề. Phước Nguyên vỗ vỗ vai Quang, rồi dắt cậu bé vào trong căn gác nhỏ sau điện thờ. Vừa mới chạm tới bực cửa thì đập vào mắt là hình ảnh một sư cụ râu tóc bạc phơ, đang ngồi gảy chiếc đàn cầm cũ kỹ. Sư cụ mỉm cười hiền từ, dừng ngón tay lấm tấm đồi mồi trên dây tơ, trở người đứng dậy bước ra. Quang lễ phép cúi đầu, hai tay vòng trước ngực:

“Con chào thầy.”

“A di đà phật. Con có chuyện gì cần đến nhà chùa này chăng?”

“Con…”

Cậu bé có một chút ngập ngừng, lén nhìn Phước Nguyên một cái. Sư cụ bỗng bật cười thành tiếng.

“Nếu đã đến đây rồi thì con cứ nói. Có khó khăn gì, nhà chùa sẽ cởi bỏ khúc mắc cho con.”

“Vừa nãy con có nghe sư cụ ngâm…”

“Là Phước Nguyên.”

“À dạ, là Phước Nguyên, ngâm An khi thở, lạc khi đi/ An là thở, lạc là đi, là đi. Con chưa hiểu lắm.”

“À. Con đến là vì cái này sao? Câu đó trích trong quyển sách “Muốn an được an” của Nhất Hạnh Thiền sư. Thực ra, bài kệ này chỉ muốn dạy cho con người ta biết hòa mình mà tỉnh thân, tu tâm, dưỡng tính đó thôi. Bụt có thể là ta, ta có thể là Bụt. Ấy là cái tuệ giác vô ngã. Ta chỉ đạt được cái An – Lạc khi ta hiểu rõ bản chất của vạn vật, ta đắm mình trong vạn vật. Ta là vạn vật mà vạn vật cũng là ta, tĩnh tại trong hư không. Ấy là tinh thần Sắc – Không.”

Mải thao thao bất tuyệt, sư cụ quên mất rằng, mình nói năng như vậy là đang làm khó một đứa trẻ không hiểu tí gì về chuyện nhà Phật. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của nó là đủ hiểu. Sư cụ lại cười. Đoạn, quay người về phía chiếc tủ kính, lấy ra một cuốn sách sờn cũ, nhan: Muốn an được an; chòm râu bạc như cước phất phơ bên trên bộ áo chùng xám rộng.

“Thôi thì nếu đã tìm đến đây rồi, tức là nhà chùa với con khá có duyên. Tuy không biết con gặp phải chuyện gì. Nhưng hẳn phải làm cho con cảm thấy sầu não lắm. Nhà chùa cho con mượn tạm cuốn sách này về mà đọc. Khi nào cảm thấy không còn phiền muộn nữa thì hẵng đem lên trả.”

“Con…”

Quang lại chưa kịp nói thì Phước Nguyên đã đón lấy quyển sách dúi vào tay nó.

“Ý tốt của thầy, bạn cứ nhận đi. Thôi trời sắp tối rồi. Bạn cầm sách xuống núi mau kẻo nắng tắt không thấy đường về đâu.”

Vừa giục, chú tiểu vừa dắt Quang ra. Quang miễn cưỡng đành nhận.

***

Năm ngày sau, cũng tại dãy núi Chung rì rào biển thông ấy, gió bắt đầu mơn man, lả lướt trên từng cánh hoa sim tím ngát. Lớp lá thông rụng sau trận mưa lớn đêm hôm trước đã trải đầy mặt đất, êm mượt như nhung. Thế là những gò đất đá lởm chởm đã biến thành mặt phẳng mướt mát xanh. Bản thân tâm trí Quang cũng như rừng thông trước đó và lúc này vậy. Cậu bé ngả lưng trên sập đá mát lạnh. Không khí buổi sớm tinh sương ngày cuối tuần khiến cho nó thật dễ chịu, khoan khoái biết bao. Xa kia là dòng sông Lam Trà uốn lượn như một con rồng màu lục bình đích thực. Gần đây là một pho sách thơm mùi hoa quế trải ra trước mắt cậu học trò tóc xanh.

“À hóa ra thế. Sách nói: Mỗi ngày, khi làm, nghĩ hay nói điều gì ta phải nói, nghĩ và làm với sự bình an. Nếu ý thức được cách sống của mình, ý thức cách ta tiêu thụ, cách ta nhìn nhận vấn đề thì ta sẽ biết cách chế tác an lạc ngay trong giây phút hiện tại, giây phút ta đang sống. Nhưng mình thật sự đã làm được chưa nhỉ? Có lẽ mình nên bình tĩnh đối mặt với những điều mình cảm thấy chán ghét, hay là thử đổi hướng nhìn khác xem? Hướng nhìn khác… Hướng nhìn khác… A mình hiểu rồi! Mình hiểu rồi! Là ta đang tự giam mình trong cái bản ngã nhỏ bé. Điều ta cần là phóng tầm mắt ra xa, đặt mình vào những cảm xúc lớn hơn.”

Nó vui sướng ra trò. Sau mấy ngày nghiền ngẫm từng con chữ, tâm hồn nó như thực sự đã được tỉnh thức. Quả nhiên là so với việc ngồi nghe sư cụ hay bố mẹ “thuyết giáo” thì đọc sách thực sự khiến nó dễ mở lòng hơn rất nhiều. Mà khi ta mở lòng nhiều, thì ta càng đón nhận được nhiều, bao gồm cả khí lành hay chính là thứ “văn hương” tỏa ra có khả năng len lỏi, chan hòa vào tâm trí, giúp xoa dịu, an ủi những cơn đau, xua tan nỗi buồn đã đóng ổ lâu ngày. Quang đã làm được. Mọi khúc mắc trong lòng nó được gỡ bỏ, cả người trở trên nhẹ tênh, không mảy may một chút bận lo âu nào. Nó vội vàng đứng bật lên, phủi lớp sương sớm bám trên mớ tóc mà chạy thật nhanh lên núi.

Am hiện trước mắt, cửa gỗ đã gỡ then, chỉ có chú tiểu từ từ qua lại trước cổng quét lá.

“Ồ, bạn Quang đã hết “sầu” rồi à. Đến sớm thế, nào nào mau vào đây, xơi miếng nước.”

Vẫn là câu mời gọi quen thuộc. Quang chống đầu gối thở hổn hển, theo bước chân Phước Nguyên vào trong.

“Thầy ơi, có khách đến.”

Nghe có tiếng gọi, sư cụ ngưng gõ mõ tụng bài kinh buổi sớm. Sư chậm rãi đứng dậy, kéo chiếc bồ đoàn trên nền gạch nung đỏ sang một bên.

“A di đà phật. Con đã đọc hết sách rồi à? Thế đã cảm thấy khá hơn chút nào chưa?”

“Thưa thầy, con cảm ơn thầy lắm. Con đã hiểu rồi.”

“Con hiểu như thế nào?”

Để Bụt thở để Bụt đi
Mình khỏi thở, mình khỏi đi, khỏi đi
Bụt đang thở, Bụt đang đi
Mình được thở, mình được đi, được đi
Bụt là thở, Bụt là đi
Mình là thở, mình là đi, là đi
Chỉ có thở, chỉ có đi
Không người thở, không người đi, người đi
An khi thở, lạc khi đi
An là thở, lạc là đi, là đi.

“Ồ? Ha ha. Tốt, tốt lắm.”

Đôi lông mày trắng rậm rạp của sư cụ chợt he hé, rồi từ khuôn miệng già nua bật lên một tràng cười khanh khách. Tiếng cười ấm áp, hoan hỷ của một cụ già hiền từ đã đến tuổi mãn chiều xế bóng truyền vào trong cơn gió mát mùa hè, để sương mai ngoài kia nhuộm lên đó một dáng vẻ từ dung, thanh kiết của thời gian và không gian.

Hàng thông khẽ đung đưa. Tiếng cười nói từ lưng chừng núi vang mãi không dứt. Để rồi đàn sẻ phải cùng ríu rít từ trên cao vọng xuống. Có vài con xòe cánh bay vào trong chùa, đậu bên mái hiên, đậu bên tường rào, và còn đậu lên cả cái biển ngạch đề: Lưu Vân am dung dị trước cổng lớn. Thật là một buổi sáng tươi vui, trong lành!

-Vân Sơn-

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia