Danh ngôn số 1

《荀子·修身》有言:“非我而当者,吾师也;谄谀我者,吾贼也。”

Bàn về đạo “Tu Thân” trong cuốn sách cùng tên, Tuân Tử viết: “Phi ngã nhi đương giả, ngô sư dã; siểm du ngã giả, ngô tặc dã. ” – Tạm dịch: “Kẻ chỉ trích ta chính là thầy, kẻ xu nịnh ta chính là địch.” Chỉ hai vế mười lăm chữ thôi, nhưng cũng đủ để cho câu nói này đứng vững trên triết đàn Á Đông thêm mấy ngàn năm nữa.

Phàm là con người thì lẫn trong đó đều bao gồm cả hai mặt tốt lẫn xấu. Những người chỉ cho ra mấy điều xấu mới khiến cho ta biết mà răn dạy. Thật đáng kính! Ngược lại, những người chỉ cho không mấy điều tốt đã khiến cho ta lung mà lơ đãng. Thật đáng căm!

Quân tử cốt như ngọc trúc, thần như tịnh thủy; biết ngẩng đầu thì cũng biết cúi đầu, phải chấp nhận cái sai vì không ai là hoàn hảo. Nhưng biết sai mà sửa là nhờ đâu? Chẳng phải là nhờ phu tử ngày ngày thước gỗ, chẳng phải là nhờ cha mẹ ngày ngày thanh mây đó sao? Ai thực sự quan tâm ta thì mới phê bình cho ta tiến bộ. Suy cho cùng “Nhân chi sơ tính bản thiện”, hướng thiện dẫu sao cũng là bản chất của con người hoặc giả như theo thuyết “Nhân chi sơ tính bản ác” thì có ai mà không muốn mình trở nên tốt đẹp? Chẳng phải Pháp gia cũng vì muốn rèn giũa con người mà nên sao? Nho – Pháp hai nhà như hai cỗ xe cùng hướng về phía Đông, khác ở chỗ một bên chở chữ “Nhân”, một bên nặng chữ “Luật”. “Nhân” – “Luật” chính là “Đức” – “Pháp”.

Cổ nhân có câu: “Mật ngọt thì chết ruồi.” Nên, quân tử xưa nay mới nhất mực tránh xa mấy lời cám dỗ, mới xem những kẻ tiểu nhân như thù như giặc. Miệng lưỡi của chúng như nước chảy từ khe, đá có cứng tiếp xúc lâu cũng phải mòn, huống chi là tâm người còn chưa đạt tới cảnh giới an định. Dần dà không biết từ khi nào đôi tai chỉ quen nghe những lời vàng chỉ quen nghe những tiếng ngọc, chìm dần vào lối sống trụy lạc từ lúc nào không hay. Nhân đó tạo cơ hội cho bọn bợ đỡ được trục lợi. Một mũi tên trúng hai đích, bởi cũng không có cách gì có thể hủy hoại một con người nhanh hơn là suốt ngày theo sau vuốt ve xu nịnh.

“Đỗ môn tịnh thủ” – một văn quan xứ Joseon mấy trăm trước đã để lại một câu như vậy cho hậu thế. Ngụ ý, tạm thời phong bế ngũ quan để tự tỉnh sát tâm thần. Tai không nghe, mắt không thấy, tay không chạm, mũi không ngửi, lưỡi không nếm thì dù trước mắt có bày Bồng Lai tiên cảnh hay sơn hào hải vị cũng đều trở thành gió thoảng mây bay vậy.

-Vân Sơn-

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia